Vua vọng cổ hài, Tư Ếch Sài Gòn, Văn Hường qua đời

Theo tin từ gia đình, nghệ sĩ Văn Hường vừa qua đời tối 7-12 vì tuổi cao sức yếu.

Nghệ sĩ Văn Hường – Ảnh: THANH HIỆP

Ông Văn Hường tên thật Nguyễn Văn Hường, sinh năm 1934 tại Thủ Đức.

Văn Hường: Người ca tác phẩm vọng cổ hài đầu tiên của Viễn Châu

Hồi nhỏ, Văn Hường đi bán dạo ở rạp Nguyễn Văn Hảo. Vô tình nghệ sĩ Lệ Liễu nghe ông ca mùi nên rủ theo nghiệp hát. Rồi sau đó ông được bầu Bảy Cao, gánh Hoa Sen phát hiện.

Tiếp đó, ông lại may mắn được “Ông vua vọng cổ” Viễn Châu chú ý.

Khoảng những năm 1960, ông Viễn Châu sáng tạo ra thể loại vọng cổ hài. Văn Hường chính là người đầu tiên thể hiện với bài Tư Ếch đi Sài Gòn.

Do nghệ sĩ Văn Hường không có ngoại hình của kép đẹp nên ông bầu Bảy Cao và nhạc sĩ Viễn Châu hướng theo con đường kép hài.

Sau Tư Ếch đi Sài Gòn, ông có hàng loạt bài “Tư Ếch” như Tư Ếch đi chợ, Tư Ếch đi hội chợ, Tư Ếch, Ba Râu đi xem đại nhạc hội, Tư Ếch đại chiến Văn Hường, Văn Hường mê số đề, Văn Hường thương vợ nhỏ…

Kết hợp lập gánh hát

Ông Văn Hường từng kết hợp với cố nghệ sĩ Thanh Hải thành lập gánh hát Thanh Hải – Văn Hường.

Sau 1975 ông về công tác tại đoàn cải lương Thống Nhất (Tây Ninh). Sau ông về đoàn Sống Chung (Phước Chung).

Khoảng năm 1987, do tuổi cao ông nghỉ hát và về mở quán nghệ sĩ tại Thủ Đức.

Có thể nói, Văn Hường có cách ca vọng cổ hài duyên dáng, độc đáo không lẫn với ai.

Bởi vậy, trong cuộc đời của mình ông được các hãng đĩa mời thâu tới mấy trăm bài vọng cổ hài.

Cách ca và những tác phẩm của ông đem đến cho cải lương sinh khí mới.

Hài hước, vui nhộn và yêu đời hơn, bởi vậy nhiều khán giả rất khoái và mê Văn Hường.

Tang lễ nghệ sĩ Văn Hường được tổ chức tại nhà riêng ở Thủ Đức. Lễ động quan lúc 8h ngày 11-12. Sau đó hỏa táng tại nghĩa trang Phúc An Viên, thành phố Thủ Đức.

“Không có Văn Hường thì làm sao có Hề Sa”

Hề Sa – có người còn gọi vui là Văn Hường 2 – bắt đầu được những ông bầu các đoàn cải lương lớn tại Sài Gòn chú ý sau khi ông vô vai Tần Hớn rất thành công trong vở Thần nữ dâng Ngũ Linh kỳ của đoàn cải lương Thủ Đô Ba Bảng. Đây là vai của nghệ sĩ Bảy Xê mà ông đóng thế. Và cũng từ đó, cái tên Hề Sa bắt đầu có “số” trong làng cải lương.

Mê mẩn bài vọng cổ 6 câu Tư Ếch đi Sài Gòn qua giọng ca độc chiêu của Văn Hường, nhất là cái tiếng “ự” khi xuống hò nghe… đã quá trời quá đất! Vậy là ông mày mò bắt chước “ự” nhái theo. Được bạn bè nghe qua khen “cũng được à nhe”, ông càng ráng rấn tới! Nhưng “ự” làm sao để không đụng hàng với sư phụ Văn Hường? Suy đi tính lại, ông đã bắt đầu “ự” dài từ xàng xê rồi bẻ qua vọng cổ.

“Nhất tự vi sư, bán tự vi sư – một chữ cũng thầy, mà nửa chữ cũng thầy. Tui có mọi thứ như ngày hôm nay là nhờ anh Văn Hường. Dù chưa từng cúng xôi, gà bái anh Sáu học nghề, nhưng tui vẫn “kiến” anh Sáu như là sư phụ ruột. Không có Hề Văn Hường thì gần 15 sau làm gì có Hề Sa”. Đó là câu nói tận đáy lòng của Hề Sa khi tiếp chuyện với bất cứ người nào…

Để thỏa niềm đam mê, 19 tuổi ông trốn gia đình gia nhập gánh hát rong của Nhà thuốc Tân Á. Lang bạt khắp nơi vừa hát phục vụ (có tuồng tích đàng hoàng) vừa bán, quảng cáo thuốc trên sân khấu lộ thiên là khoảnh đất trống tại bất cứ địa phương nào (còn gọi là sân đất)…

Từ một người hát rong, con đường nghệ thuật của ông cũng đã biến chuyển theo ngày tháng. Từ hát ngoài màn (chỉ đứng trong hậu trường hát chứ không ló mặt ra) cho đến “phi cua răng” (làm quân lính nhưng được thoại), rồi vai hề nhỏ lần lần leo lên hề chánh.

Trong suốt thời gian đó, tiếng “ự” từ xàng xê bẻ qua vọng cổ đã rong ruổi cùng ông, chinh phục công chúng mộ điệu khắp các chợ, đình, chùa miễu qua các tỉnh, trên sân khấu của các đoàn Khải Hoàn, Quang Phục, Tôn Yên, Bầu Lù…

Năm 1966, vì trốn quân dịch, ông từ giã Sài Gòn sau khi trải qua 2 đoàn cải lương lớn như Trăng Mùa Thu và Kim Chung 5. Sau đó, ông lập đoàn Sóng Hề Sa chuyên đi đánh lẻ tại các tỉnh miền Tây. Đến năm 1976, ông trở về thành phố, gia nhập đoàn Tiếng Ca Trung Hiếu rồi Phước Chung và cuối cùng là đoàn Sài Gòn 3.

Từ năm 1988, ông chính thức rời xa sân khấu, nhưng máu mê cải lương của ông không bao giờ là giảm. Ông vẫn thường xuyên nhận các loại “sô” từ truyền hình, truyền thanh cho tới “kính thưa các loại đám”, một khi “ai kêu tui đó thì có tui đây”!

Cũng như Văn Hường, ông có những bài vọng cổ ruột, tạo nên tên tuổi để đời như: Lính già vui tính; Khi người say biết yêu; Tứ đổ tường; Tôi yêu vợ tôi;… Và trong số những bài hát vui thời trước, bài ca cổ Lịnh xé xác, Lịnh xé túi là bài vọng cổ hài châm biếm độc nhất qua giọng ca của ông được thu dĩa, đủ sức “so cựa” cùng sư phụ Văn Hường trong nửa thế kỷ qua.

Với vẻ mặt đầy phong trần, Hề Sa vẫn chất chứa niềm đam mê cải lương dù tuổi đã cao. Tuy không có nhiều “tài sản” để lại như “sư phụ”, song ông vẫn tự hào đã góp sức làm tỏa sáng sân khấu cải lương bằng những vai diễn tạo nên tiếng cười và những bài ca cổ châm biếm độc đáo.

Thế hệ vàng cải lương: Nghệ sĩ Văn Hường – Người ‘dát vàng’ cho vọng cổ hài

“Ê bớ làng nước có ai như đời tôi hông chứ? Có vợ làm chi mà phải ăn quán ngủ trưa ở mái sân đình?…”. Giọng ca mùi mẫn, pha một chút hài hước, một chút tự thán đã trở thành huyền thoại của làng đĩa nhựa giải trí và đủ sức làm say lòng những khán thính giả yêu bản vọng cổ hài của soạn giả Viễn Châu. Đó chính là danh ca vọng cổ hài Văn Hường, mà người hâm mộ còn gọi ông cái tên thân quen “Tư Ếch”.

Tôi có may mắn là được trò chuyện cùng ông qua nhiều giai đoạn. Lúc ông tham gia chương trình Vầng trăng cổ nhạc của HTV, rồi sau này là Những dấu ấn không phai, Sân khấu Vàng đến giai đoạn NSND Minh Vương lập nhóm bạn “Cà phê Kim Chung”

Từ quán giải trí Lệ Liễu, trở thành danh ca

Lúc nào ông cũng hồ hởi khi nhắc về quá khứ vàng son, nhưng không quên thực tại của một danh ca đã về chiều. Hai chữ ông nhớ trong đầu mỗi khi nghe hỏi về xuất phát điểm là “Lệ Liễu”. Quán giải trí nằm bên cầu Thị Nghè thập niên 1960 – 1970 của Sài Gòn đã là nơi đưa ông phiêu lưu vào thế giới nghệ thuật và có nghệ danh Văn Hường.

Ông tên thật là Nguyễn Văn Hường, sinh năm 1934 tại Mỹ Thành, Long Thạnh Mỹ, Thủ Đức (nay thuộc Q.9, TP.HCM) trong một gia đình nhà nông. Theo lời ông tâm sự, thuở nhỏ ông mê nghe đài phát thanh, rồi thuộc nằm lòng rất nhiều bài bản, câu hò điệu lý của đờn ca tài tử Nam Bộ.

NS Văn Hường và NSND Lệ Thủy. Ảnh: Thanh Hiệp

Năm 15 tuổi, ông từ giã quê hương lên Sài Gòn. Cái nghề đầu tiên ông mưu sinh ở mảnh đất phồn hoa đô hội là bán hột dưa ở rạp cải lương Nguyễn Văn Hảo (nay là rạp Công Nhân thuộc Nhà hát Kịch TP.HCM – 30 Trần Hưng Đạo, Q.1). Lúc đó nơi này được xem là rạp hát “Hàng không mẫu hạm”, nơi mà đoàn hát nào khai trương đều thu hút đông nghệ sĩ, báo chí đến xem.

Tuy bán hột dưa, nhưng hễ rảnh rang thì ông ca nghêu ngao vài câu vọng cổ. Rồi một tối nghệ sĩ Lệ Liễu – người có mở một quán ca cổ ở cầu Thị Nghè đi xem hát, bắt gặp anh chàng bán hạt dưa ca ngọt ngào, duyên dáng, nên đã bèn rủ ông đến quán của bà để có dịp song ca.

Tiếng lành đồn xa, nhiều nghệ sĩ của làng cải lương đến quán Lệ Liễu để nghe Văn Hường hát, trong đó có soạn giả – NSND Viễn Châu. Soạn giả Viễn Châu đã hướng dẫn cho Văn Hường cách ca vọng cổ hài và Văn Hường đã nhận Viễn Châu làm thầy.

Một đĩa CD vọng cổ hài của Văn Hường

Lúc sinh thời, soạn giả Viễn Châu đã nhận xét rằng, nghệ sĩ Văn Hường không được đẹp trai, miệng lại móm và thiếu chiều cao, nên ông nghĩ đến việc khai thác giọng ca này, nhằm thay thế một số nghệ sĩ hài đương thời nhưng làm chảnh, gây tổn thất cho các đoàn hát bởi sự trịch thượng trong đòi hỏi quyền lợi, dẫn đến đoàn hát phải thay đổi vở tuồng vì thiếu nghệ sĩ hài.

“Vua vọng cổ hài” ra đời

Thời đó, soạn giả Viễn Châu sáng tác nhiều bài ca vọng cổ hài. Ông nghĩ rằng, tại sao bài vọng cổ có thể làm khán giả khóc mà không làm khán giả cười. Bởi, mỗi sáng ông thường ngồi đọc báo ở quán cà phê đầu ngõ, trên đường Trần Hưng Đạo, Q.5, nơi mà mỗi ngày đủ thứ chuyện xã hội được diễn ra trong thế giới thu nhỏ. Từ chuyện vợ ghen chồng, chồng say xỉn hành hung vợ, đến chuyện mua số đề, chơi đua ngựa những mong sẽ đổi đời của bà con lao động nghèo trong các con hẻm nhỏ mà ông biết.

Nghệ sĩ Văn Hường và người bạn đời

Đang được thời làm giám đốc nghệ thuật cho nhiều hãng đĩa Sài Gòn thời đó, ông đã nghĩ phải làm mới bài vọng cổ sau cú hích “Tân cổ giao duyên”, đưa tên tuổi NSND Lệ Thủy đi vào huyền thoại – người ca thể điệu tân cổ giao duyên đầu tiên. Và từ ngày phát hiện ra nghệ sĩ Văn Hường, ông đã nghĩ đến buổi hừng đông của bài vọng cổ hài, khi có trong tay một giọng ca đặc sệt Nam Bộ, lối xuống xề nhừa nhựa, kéo dài mỗi chữ hò như chất chứa trong từng câu ca nỗi niềm trắc ẩn.

Thế là ông mạnh dạn sáng tác thể điệu vọng cổ hài, nhằm đưa vào đó sự châm biếm những tiêu cực của gia đình, xã hội, mà nhân vật Tư Ếch là điển hình cho dòng ca cổ hài do ông sáng chế.

Chính xác, vào năm 1961, bài Tư Ếch đi Sài Gòn ra đời. Đưa tên tuổi Văn Hường trở thành đỉnh điểm khiến các danh hài thời đó nể phục bởi sự nổi tiếng nhanh như vũ bão của một anh chàng bán hạt dưa phút chốc có “đôi hài bảy dặm” bay vào thế giới vọng cổ hài.

Năm 1972, Văn Hường cùng nghệ sĩ Thanh Hải lập đoàn hát “Thanh Hải – Văn Hường”. Giai đoạn làm bầu đã tạo cơ hội để ông dấn thân vào nghiệp diễn xuất.

NSND Lệ Thủy kể: “Tôi và anh Văn Hường có một kỷ niệm khó quên, đó là tôi đóng vai Ngân Tâm, anh đóng vai Tứ Cửu trong vở Lương Sơn Bá – Chúc Anh Đài trên sân khấu Kim Chung. Thời đó chúng tôi còn rất trẻ, một bên vừa nổi với bài Chàng là ai theo thể điệu “tân cổ giao duyên”, một bên vừa được khán giả yêu thích với Tư Ếch đi Sài Gòn, chúng tôi đều mang ơn thầy Viễn Châu đã đặt nền tảng để cả hai tỏa sáng. Anh Văn Hường biết hạn chế của mình chỉ có giọng ca hài, với chất giọng ự ự hào sảng Nam Bộ và cái duyên ca vọng cổ làm khán giả phì cười, nên anh chịu khó học nghề diễn, từng bước đúc kết kinh nghiệm để mỗi vai diễn mang lại cho người xem sự phấn khởi”.

Sau ngày đất nước thống nhất, nghệ sĩ Văn Hường về cộng tác với Đoàn Cải lương tập thể Thống Nhất (Tây Ninh), sau đó về Đoàn Cải lương Sống Chung (Phước Chung). Năm 1987 do lớn tuổi, ông từ giã sân khấu, lui về mở quán nghệ sĩ Văn Hường tại phường Long Thạnh Mỹ, Q.9, TP.HCM cho đến ngày nay.

Ở tuổi 82, nghệ sĩ Văn Hường không quên các vai diễn đã cho ông cảm xúc dạt dào dù là vai phụ, chuyên đem lại tiếng cười thư giãn trong một vở bi, nhưng đó là những bài học quý của đời nghệ sĩ mà ông gìn giữ.

Có lần ông bộc bạch: “Đã qua tuổi thất thập cổ lai hi, còn có khán giả yêu mến là hạnh phúc. Tôi nhớ các vở tuồng mình đã đóng như: Nửa bản tình ca, Nửa mảnh kim tiền, Qua cầu vọng thê, Tướng cướp và mảnh lụa đỏ, Mấy nhịp cầu duyên, Đôi mắt liêu trai, Mưa rừng, Lương Sơn Bá – Chúc Anh Đài… Tất cả đã đi vào ký ức. Còn bài vọng cổ hài thì ôi thôi nhiều lắm. Hàng trăm bài ông thầy Viễn Châu viết cho tôi, giúp tên tuổi tôi bay cao, bay xa, rồi có tiền mua nhà, mua xe, cưới vợ, lo cho con cháu”.

Khán giả nhớ đến Văn Hường đã không quên các bài vọng cổ đã gắn liền với tên tuổi của ông như: Ba ông thầy bói, Chó mực đầu cáo, Đời là gì?, Đi hát cải lương, Hiệp sĩ say giải nghệ, Kể tuồng sân khấu, Tai nạn Honda, Tại tôi tuổi Sửu, Tiền bạc, bạc tiền, Tôi đi hớt tóc, Tư Ếch đi chợ, Tư ếch đi hội chợ, Tư Ếch, Ba Râu đi xem đại nhạc hội, Tứ đổ tường, Văn Hường đại chiến Tư Ếch, Vợ tôi đẹp ác, Vợ tôi đi coi bói, Vợ tôi mê tân nhạc… Đó là những báu vật quý của sân khấu cải lương đã hơn 100 tuổi, mà công trạng về người đưa thể điệu vọng cổ hài đến gần với công chúng, chính là nghệ sĩ Văn Hường.

(Hỏi đáp về quá khứ – hiện tại – tương lai)

“Đừng sống vì quá khứ”

* Ông có hài lòng với cuộc sống hiện tại? Điều gì khiến ông hài lòng khi nhìn lại sự nghiệp của mình?

– Tôi hài lòng khi ở tuổi này khán giả còn thương mình. Hễ thích nghe vọng cổ hài thì họ tìm đến quán của tôi để ca nghêu ngao. Ban đầu họ muốn song ca với tôi, nhưng sau này do sức khỏe, tôi khó mà chìu hết các thực khách nên tôi ngồi nghe họ ca. Nhiều bài tôi đã quên nhưng họ thuộc vanh vách. Tôi hạnh phúc lắm. Hiện nay nhiều thứ bệnh trong tôi lắm. Các con và vợ thay tôi chăm sóc quán, có khách quý lắm mới ráng ra ngồi tiếp, còn lại thì nằm nghỉ ngơi nghe khách cười nói, ca vọng cổ hài, vậy là xong một ngày nhàn hạ của tuổi về chiều.

* Nếu trở về ngày xưa, ông sẽ làm gì? Ông có hối tiếc điều gì chưa làm được ở quá khứ?

– Nếu tôi có một phép màu thì sẽ biến nhà tôi thành quán Lệ Liễu. Tôi khoái xuất phát điểm của đời mình. Cái quán đó ngộ lắm, hễ tôi lên ca thì khán giả ngồi nghe rất lịch sự, họ nghe trong sự tôn trọng. Có lẽ nhờ vậy mà tôi bắt đầu yêu thánh đường sân khấu từ cái thời còn ca ở quán Lệ Liễu. Tôi hối tiếc một điều, thầy Bảy Viễn Châu chưa sáng tác bài ca cổ nào về quán Lệ Liễu để tôi ca.

* Với những tác phẩm đã ca diễn ngày xưa, hiện nay ông có mong muốn sẽ trao truyền cho thế hệ trẻ?

– Tôi không có điều kiện gặp gỡ, tiếp xúc với các bạn diễn viên trẻ. Nhưng tôi xem họ trên màn ảnh, thấy họ ca diễn tôi mê lắm. Nhưng ngày nay hiếm có bạn trẻ nào đi theo trường phái ca vọng cổ hài như thế hệ của tôi. Tôi ca diễn hồi xưa trên sân khấu Kim Chung rồi sau này lập gánh với anh nghệ sĩ Thanh Hải thì có ca diễn một số vai. Kịch bản xưa mất hết rồi, tiếc lắm. Bây giờ thế hệ trẻ phải ca diễn những vai tuồng nói về cuộc sống hôm nay, chứ đừng ca ngợi quá khứ vàng son của cải lương xưa, phải từ nền tảng đó mà tiến tới, chứ đừng sống vì quá khứ. Tôi nghĩ như vậy đó.

Thanh Hiệp

https://thethaovanhoa.vn/van-hoa/the-he-vang-cai-luong-nghe-si-van-huong-nguoi-dat-vang-cho-vong-co-hai-n20191009061514875.htm

Đánh giá post

Viết một bình luận